Bạn đang băn khoăn không biết những thủ tục, hồ sơ cần chuẩn bị cũng như các bước cần thực hiện để đi Mỹ thăm người thân? Hãy để công ty tư vấn du học Đại Thiên Sơn chúng tôi giới thiệu sơ lược về những gì bạn cần biết khi làm thủ tục đi du lịch Mỹ thăm thân nhân.
THỦ TỤC ĐI DU LỊCH MỸ THĂM THÂN NHÂN
1. Chứng minh được mục đích sang Mỹ rõ ràng để xin Visa du lịch Mỹ:
Bạn cần biết rằng để vượt qua được vòng xét duyệt visa đi Mỹ không hề dễ dàng như nhiều người vẫn thường nghĩ. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng, chỉ cần bạn chứng minh được mục đích sang thăm thân nhân của mình là hợp pháp và đáng tin cậy, tỷ lệ đậu Visa du lịch Mỹ của bạn sẽ cao hơn. Trước hết, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ bản gốc để chứng minh rõ mối quan hệ ruột thịt, họ hàng với thân nhân bên Mỹ mà bạn sẽ đến thăm bao gồm: giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn,...nếu có những bức ảnh chụp chung với người thân bên Mỹ thì càng tốt.
Sở dĩ bạn cần phải chứng minh mục đích khi sang Mỹ thật rõ ràng vì người phỏng vấn cần đề phòng những khả năng bạn nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ hoặc sẽ không quay lại Việt Nam mà định cư luôn ở Mỹ. Những hồ sơ bạn cung cấp cần minh bạch và trung thực, vì nếu bị phát hiện hồ sơ của bạn là giả, bạn sẽ bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh ở Mỹ.
Tượng nữ thần tự do ở Mỹ - Du học Đại Thiên Sơn DTS
2. Xin Visa du lịch Mỹ:
Muốn đến du lịch Mỹ thăm thân nhân bạn cần làm thủ tục xin Visa thị thực du lịch loại B2. Đây là loại Visa ngắn hạn mà Mỹ cấp cho những người muốn nhập cảnh với mục đích đi du lịch, thăm thân nhân, khám bệnh,...Thời hạn tối đa của Visa là 1 năm, tuy nhiên thời gian được phép lưu trú tại Mỹ của bạn sẽ do Viên chức tại Sở Di trú Hoa Kỳ thông báo căn cứ vào mục đích chuyến đi cụ thể chứ không phải do Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Mỹ quyết định.
3. Hồ sơ, giấy tờ bạn cần chuẩn bị để xin Visa du lịch Mỹ:
Hộ chiếu còn thời hạn ít nhất là 6 tháng, cần lưu ý hộ chiếu phải là bản gốc và còn tối thiểu 1 trang trống cũng như phải đi kèm chữ ký xác nhận.
Tờ khai DS-160 theo quy định của đại sứ quán Hoa Kỳ, cần lưu ý những thông tin bạn khai trên tờ đơn này cần phải khớp với những gì bạn trả lời khi đi phỏng vấn vì Lãnh sự quán sẽ xác minh và kiểm tra lại.
Hộ khẩu thường trú của bạn tại Việt Nam (bản chính) và có xác nhận từ chính quyền địa phương.
1 ảnh thẻ 5x5 cm với phông nền trắng, không đeo kính, chụp thẳng và ảnh chụp cách đây không quá 6 tháng.
Bản sơ yếu lí lịch có công chứng đầy đủ và ghi các thông tin liên quan về người thân, cách liên lạc cũng như mối quan hệ với người thân bên Mỹ.
Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với thân nhân ở Mỹ: ảnh chụp chung, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, email,...
Giấy đăng ký kết hôn/ly hôn (nếu có).
Giấy khai sinh của con nếu đi cùng với bố hoặc mẹ.
Các giấy tờ chứng minh tài chính của bạn như: sổ tiết kiệm, giấy tờ sở hữu nhà cửa đất đai, tài khoản ngân hàng, sao kê ngân hàng trong 3 tháng có số dư ít nhất còn $5.000 -10.000,...tất cả đều phải được xác nhận đầy đủ.
Chứng minh công việc:
• Nếu bạn là chủ doanh nghiệp: cần có giấy phép kinh doanh, biên lai nộp thuế 3 tháng gần nhất bao gồm VAT (nếu có) phải là bản chính.
• Nếu bạn là nhân viên: cần có hợp đồng lao động, bảng lương 3 tháng gần đây (bản chính) và đơn xin phép nghỉ đi du lịch (bản chính.
• Nếu bạn là học sinh, sinh viên: giấy xác nhận của trường đang theo học và đơn xin nghỉ phép.
• Trong trường hợp là trẻ em dưới 18 tuổi: phải có giấy khai sinh, giấy xác nhận cho đi du lịch của cha mẹ + cam kết bảo lãnh tài chính.
• Nếu bạn là người kinh doanh tự do: giấy tờ giải trình nguồn thu nhập hàng tháng, hàng năm.
• Nếu bạn là người đã về hưu, không còn đi làm: quyết định về hưu, thẻ hưu, sổ hưu.
4. Hồ sơ, giấy tờ thân nhân bên Mỹ cần chuẩn bị:
Thư mời: thân nhân bên Mỹ của bạn cần nêu rõ thông tin của người mời và người được mời, mục đích, thời gian thăm viếng sẽ kéo dài bao lâu, những cam kết về tài chính (nếu có). Thư có thể được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nhưng nếu viết bằng tiếng Anh thì tỷ lệ được cơ quan di trú chấp nhận sẽ cao hơn.
Thư cam kết bảo lãnh tài chính: nếu thân nhân bên Mỹ chi trả toàn bộ chi phí cho chuyến đi của bạn thì thư cam kết này có tác dụng chứng minh người thân bên Mỹ có trách nhiệm tài trợ toàn bộ chuyến đi của bạn và phải được công chứng (Notarized Affidavit of Support).
Người mời cần công chứng văn bản tại Ngân hàng hoặc Văn phòng dịch vụ pháp lý, có vai trò như bản cam kết tài sản, quan hệ cá nhân và trách nhiệm với người được mời sang Mỹ.
Ngoài ra, số dư tài khoản (Account Statement) của người mời phải trùng khớp với số khai trong I-134. Tài khoản của người mời cần mở trên 6 tháng và có số dư nằm ở mức cao.
Bản khai thuế: còn được gọi là “Copy of Income Tax Return Form” là bằng chứng quan trọng để chứng minh người bảo lãnh bạn có đủ tài chính và thu nhập hợp pháp tại Mỹ để tài trợ tài chính cho toàn bộ chuyến du lịch của bạn.
Tuy nhiên, nếu thân nhân của bạn mới đến Mỹ hoặc chưa được 1 năm thì rất khó để có văn bản này. Chính vì vậy, bạn nên đợi đến khi có bản này thì mới đủ tư cách và hợp pháp bảo lãnh cho bạn sang Mỹ.
Biên lai nhận lương gần nhất: cần gửi 2 bản biên lai nhận lương trong vòng 2 tháng gần đây nhất (two latest payment) để làm cơ sở chứng minh khả năng tài chính rõ ràng nhất của người bảo lãnh.
Giấy chứng nhận làm việc (Letter Job): để xác minh thân nhân bảo lãnh cho bạn có công việc cụ thể và thu nhập hợp pháp tại Mỹ. Giấy chứng nhận cần được chứng nhận từ phía cơ quan làm việc và sử dụng mẫu thư chính thức của công ty. Cần ghi rõ số đăng ký của công ty vì có thể Lãnh Sự quán sẽ kiểm tra doanh nghiệp có tồn tại hợp pháp hay không.
Các trường hợp bạn cần lưu ý:
• Nếu người bảo lãnh là chủ doanh nghiệp: cần đưa ra giấy phép kinh doanh cũng như biên lai nộp thuế của doanh nghiệp đó trong 3 tháng gần nhất có đóng dấu xác nhận.
• Nếu người bảo lãnh là nhân viên hợp đồng: cần cung cấp hợp đồng lao động và bảng lương trong vòng 3 tháng gần đây nhất có chữ ký và xác nhận từ đơn vị công tác.
I-20, I-129 và I-94 bản sao (Copy of I-20.I-129 and I-94): là minh chứng quan trọng cho biết tình trạng nhập cư trên đất Mỹ của thân nhân bạn có hợp pháp không. Tuy nhiên cần lưu ý nếu thời hạn ghi trên I-94 sắp hết hạn thì thân nhân bạn không thể mời bạn ở lại lâu hơn so với thời gian đó mà cần phải trùng khớp với giấy mời và lịch trình thăm viếng trong suốt chuyến du lịch.
Photocopy hộ chiếu của người mời: cần bản sao toàn bộ các trang trong hộ chiếu của người thân bên Mỹ của bạn. Nếu hộ chiếu của người đó sắp hết hạn thì cần phải đi làm hộ chiếu mới vì nó dùng để chứng minh sự tồn tại phù hợp với cơ sở pháp lý của người bảo lãnh trên đất Mỹ.
Lịch trình chi tiết chuyến du lịch: cần ghi rõ các điểm đến, nơi lưu trú (ở nhà người thân, khách sạn,...), người liên hệ tại từng địa chỉ và số điện thoại cụ thể. Nên nhớ rằng lịch trình càng chi tiết và rõ ràng thì càng chứng minh được sự chuẩn bị cụ thể về mặt tài chính cũng như các vấn đề pháp lý khác của người bảo lãnh, từ đó khả năng được xét duyệt càng cao.
Thư đảm bảo: đây là thư mà thân nhân bên Mỹ của bạn sẽ gửi cho người phỏng vấn để khẳng định lại tình trạng cư trú hợp pháp của người mời cũng như khả năng tài chính và mối quan hệ ruột thịt, họ hàng với bạn. Trong thư cũng sẽ có lời đảm bảo rằng bạn sẽ trở về Việt Nam sau chuyến đi mỹ.
Bằng chứng xác minh quan hệ: dùng để xác minh mối quan hệ giữa người xin Visa và người bảo lãnh bao gồm các giấy tờ như: giấy khai sinh, hình chụp chung, thư từ qua lại, email,...
5. Những điều cần lưu ý khi làm thủ tục xin Visa du lịch Mỹ:
• Việc xin Visa đi du lịch Mỹ thăm thân nhân sẽ gặp nhiều khó khăn nếu bạn còn quá trẻ dù ngay cả trong trường hợp bạn có thể chứng minh tài chính đủ chi trả cho chuyến đi của mình thì vẫn cần có sự bảo lãnh của thân nhân.
• Nếu người được bảo lãnh dưới 17 tuổi cần phải có bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp đi cùng.
• Ăn mặc lịch sự, trang trọng cùng thái độ khiêm nhường để tạo ấn tượng tốt với người sẽ phỏng vấn bạn. Nếu ăn mặc xuề xòa hoặc e dè hay tự tin quá mức sẽ thể hiện sự không nghiêm túc và thiếu chuyên nghiệp của bạn với nhân viên của Lãnh sự quán.
• Khi được hỏi về thế mạnh, điểm mạnh của bản thân thay vì nói là khả năng ngoại ngữ thì hãy nói với họ về chuyên môn cũng như những kỹ năng khác của bạn vì điều này khiến những người phỏng vấn nghĩ rằng bạn sẽ dùng trình độ, khả năng của mình để làm việc bên Mỹ mà không quay về nước.
• Hãy nêu ra những bằng chứng ràng buộc để chứng minh bạn sẽ quay về Việt Nam chứ không ở lại Mỹ sau chuyến đi: giấy đăng ký kết hôn (nếu có), hình ảnh gia đình, người thân, giấy tờ sở hữu tài sản lớn (nếu có), giấy tờ chứng minh công việc có thu nhập cao.
• Trong lúc phỏng vấn: giữ bình tĩnh, tự tin trả lời các câu hỏi, nghe kĩ câu hỏi, trả lời to, rõ ràng, dứt khoát, có thể bổ sung bằng chứng chứng minh về câu trả lời của bạn và điều quan trọng hơn hết đó chính là bạn phải trả lời trung thực những thông tin khai trên hồ sơ cũng như lúc người phỏng vấn hỏi bạn, vì nếu bị phát hiện ra bạn có thể bị cấm vĩnh viễn không được đến Mỹ trong tương lai.