Đại học Quốc gia Australia (ANU) thông báo thay đổi chính sách xét tuyển thẳng học sinh Việt Nam. Theo đó, ANU bỏ yêu cầu điểm tốt nghiệp THPT, thay vào đó là xét điểm trung bình lớp 12 (GPA) của học sinh.
Học sinh muốn ứng tuyển phải theo học một trong 92 trường chuyên, trường điểm do ANU quy định, có điểm GPA lớp 12 từ 8,5; chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.5, không kỹ năng nào dưới 6.0 (yêu cầu tương tự với các chứng chỉ khác như PTE, TOEFL).
Sau đó, ANU quy đổi điểm GPA của học sinh sang ATAR (Australian Tertiary Admission Ranking - thứ hạng giữa các học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Australia). ATAR quy đổi càng cao, ứng viên càng có cơ hội chọn những ngành học "hot" của trường.
Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: ANU
Theo ông Phạm Nguyễn Hồng Ân (Andy Phạm), quản lý cấp cao khu vực Mekong của ANU, lý do của sự thay đổi là kỳ nhập học ở Australia thường vào tháng 2 và tháng 7. Nếu xét điểm tốt nghiệp THPT thì học sinh Việt Nam không kịp nhập học tháng 7 do chưa có điểm, phải đợi đến tháng 2 năm sau.
Hơn nữa, sau khi nghiên cứu điểm học tập của học sinh, cùng các báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, ANU nhận thấy điểm học bạ và điểm xét tốt nghiệp không chênh lệch nhiều.
Trước đây học sinh cần phải đạt 9,4 điểm xét tốt nghiệp trở lên mới đủ điều kiện cạnh tranh học bổng 50%. Tuy nhiên, với chính sách mới, các em có điểm trung bình lớp 12 trên 9,4 là được vào vòng xét duyệt.
"Việc xét điểm học bạ sẽ tạo điều kiện cho nhiều học sinh Việt Nam chạm đến học bổng 50% của ANU", ông Andy cho hay.
Hàng năm, ANU cấp hơn 200 học bổng loại này trong toàn bộ thời gian học tập của học sinh, sinh viên quốc tế. Theo ông Andy, học phí trung bình của ANU hiện khoảng 48.000-50.000 AUD/năm (759-790 triệu đồng).
Bảng điểm quy đổi điểm trung bình lớp 12 của học sinh Việt Nam sang ATAR. Ảnh: ANU
Trên bảng xếp hạng đại học QS năm 2023, ANU đứng đầu ở Australia và trong top 30 thế giới. Ông Andy nói trong nhiều ứng viên Việt Nam nộp đơn vào trường hàng năm, khoảng 35% trúng tuyển.
Cùng với ANU, một số trường thuộc nhóm G8 (8 đại học danh tiếng ở Australia) cũng xét thẳng học sinh từ trường chuyên và một số trường chất lượng cao của Việt Nam như: Đại học Melbourne, Đại học Sydney, Đại học Queensland. Đa số chỉ yêu cầu điểm GPA và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Chính sách này của các đại học Australia được coi là cởi mở hơn với học sinh, sinh viên Việt Nam. Trước kia, học sinh phổ thông ở Việt Nam thường phải trải qua một số kỳ thi chuẩn hóa hoặc học một năm dự bị mới được chấp nhận vào học.
Bình Minh
Nguồn vnexpress